mardi 22 avril 2014

Đêm nhạc ‘Hát Cho Giấc Mơ Người Tị Nạn, Việt Dzũng’

Băng Huyền/ Viễn Đông
Lanney Tran (thuộc Hội phụ nữ vì nhân quyền cho Việt Nam) chia sẻ những hồi ức tốt đẹp về cố
nhạc sĩ Việt Dzũng.

Một đêm nhạc mang tên “Hát Cho Giấc Mơ Người Tị Nạn, Việt Dzũng” không ồn ào, không phô trương, mà thật nhẹ nhàng, lắng đọng với sự ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung của rất đông những đồng hương, bạn bè, thân hữu nặng tình với cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
Mọi người đã cùng ngồi lại bên nhau để tưởng niệm sự ra đi của cố nhạc sĩ Việt Dzũng (sinh năm 1958, mất ngày 20 tháng 12, 2013), cùng chia sẻ sự mất mát chung của cộng đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại, và để tiễn đưa “người nhạc sĩ đã ôm ấp giấc mơ cho một quê hương Việt Nam được tự do và dân chủ ngay từ khi đặt chân đến bến bờ tự do,” do Hội Quán Thơ Nhạc - Viện Việt Học tổ chức vào tối thứ Bảy, 28-12-2013 tại Viện Việt Học.
Mọi người đến để được nghe lại những sáng tác của anh, để hát tiễn biệt anh, đọc những bài thơ sáng tác về nỗi đau thương trước sự “ra đi” của anh, chia sẻ những câu chuyện về sự dấn thân không mệt mõi của anh ở khắp nơi trên mọi lãnh vực truyền thông cũng như những đêm thắp nến, những buổi văn nghệ đấu tranh cho dân chủ trên quê hương Việt Nam. Hay sự có mặt của anh ở hầu hết các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á để thăm viếng đồng bào, giúp đỡ trẻ em không thân nhân và những công tác xã hội như những buổi gây quỹ cho các con tàu với người vượt biển Cape D’Anamur, chương trình SOS Boat People, chống cưỡng bách hồi hương người tị nạn, giúp trẻ em khuyết tật, những nạn nhân “buôn người”…
Những kỷ niệm về ca nhạc sĩ Việt Dzũng cứ ùa về, ùa về mãi khiến những nghệ sĩ, những người bạn, những thân hữu tham gia trong chương trình cũng như khán giả đắm chìm trong nỗi buồn vô hạn vì anh ra đi quá đột ngột, khi sự cống hiến của anh đang ở tột đỉnh, khi tuổi đời của anh chỉ mới 55.
Cả cuộc đời người nghệ sĩ luôn tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam
Nhiều người không ngăn được nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh Việt Dzũng xuyên suốt trong chương trình, nở nụ cười hòa nhã, đôn hậu trên màn hình điện tử đặt trang trọng trên sân khấu, cùng những bức hình từ lúc anh còn là chàng thanh niên tuấn tú chu du khắp nơi với đôi nạng gỗ để giúp người đồng cảnh tại các trại tỵ nạn, và hình ảnh đấu tranh cho Nhân Quyền và Tự Do cho Việt Nam, sát cánh cùng người chị kết nghĩa ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh và những người bạn đồng chí hướng thành lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh chống lại cộng sản Việt Nam…
Những ca sĩ thân hữu của Hội Quán Thơ Nhạc - Viện Việt Học đã tưởng nhớ ca nhạc sĩ Việt Dzũng bằng cả tấm lòng gửi gắm trong những bài hát. Mỗi ca khúc là một cung bậc cảm xúc đầy nhiệt huyết khác nhau của nhạc sĩ Việt Dzũng. Anh viết nhạc như anh đang kể chuyện. Những câu chuyện thương đau, bi đát của dân tộc. Những câu chuyện đó có thể khác nhau.
Là những hình ảnh của những con người Việt Nam khốn khổ còn ở lại Việt Nam, hay những di dân gốc Việt mất nước, phải lang thang khắp tứ xứ, năm châu. Các âm điệu có thể khác nhau.
Nỗi niềm cay đắng, đau đớn của nhạc sĩ Việt Dzũng qua ca khúc “ Những Đứa Con Của Mẹ” được
Kim Ngân thể hiện thật thiết tha.
Nhưng chung qui vẫn là nói về Quê Hương, Dân Tộc. Cả khán phòng im lặng, từng tiếng hát được cất lên. Mỗi người một chất giọng, một bài hát rất riêng và dường như từng giai điệu, từng nốt nhạc cứ như xuyên thấu lòng người, âm vang như nức nở, nghẹn ngào.
Nỗi niềm cay đắng, đau đớn của anh qua ca khúc “ Những đứa con của mẹ” được Kim Ngân thể hiện thật thiết tha, “Mẹ lỡ sinh ra thằng con bán nước, dâng hiến quê nhà cho nanh vuốt ngoại bang. Mẹ lỡ sinh ra thằng con tên tỵ nạn, con sang xứ lạ chối bỏ quê hương… Mẹ hãy sinh thêm những thằng con phục quốc, sẽ trở về giành lại quê hương...”
Qua “Lời Kinh Đêm” (sáng tác Việt Dzũng) là sự phẫn nộ, nhức nhối và đầy nỗi xót xa gợi nhắc về những chuyến vượt biển hãi hùng: “Thuyền mong manh ôi đời lênh đênh. Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ. Trời chơ vơ ôi người bơ vơ. Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục. Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn. Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen. Người buông xuôi về nơi đáy nước. Người có mộng một nấm mộ xanh. Biển ngây ngô hay biển man rợ. Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ…” qua giọng ca của Ngọc Quỳnh “rung” lên ở từng cuối câu, “run rẩy” như những lời thương xót, cho con người Việt Nam đọa đày nơi quê hương lầm than!
Trên màn hình điện tử hình ảnh và tiếng hát mộc mạc, chân phương của Việt Dzũng trong một sáng tác của chính anh, lấy cảm ý từ bài thơ “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,” của nhà thơ Du Tử Lê đem lại nhiều xúc động cho người nghe trong đêm nhạc tưởng niệm sự ra đi của anh.
Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe Hồng Diễm hát “Một Chút Quà Cho Quê Hương” (sáng tác Việt Dzũng), ngay chính người ca cũng đã rưng rưng lệ khi diễn tả bài hát đau thương này.
“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng…”
Nhạc sĩ Việt Dzũng không chỉ viết lên nỗi đau của những người Việt tị nạn mà còn những hoài niệm cố hương, thật đằm thắm qua ca khúc “Mời Em Về” qua giọng hát của Lâm Dung:
“Tôi muốn mời em về thăm lại căn nhà xưa
Có mẹ ngồi đầu đó sợi tóc bạc đong đưa
Tôi muốn mời em về, nhưng quê hương tôi quá xa
Bên kia bờ Thái Bình bao la…”
Tình Ca Nguyễn Thị Saigon (Việt Dzũng) do Kim Ngân hát là một sáng tác tựa như giòng suối man mác tình người, niềm hy vọng của tác giả vào một ngày sẽ có ánh sáng ban mai trên quê hương Việt Nam,
“Mẹ đặt tên con, Lê Thị Hy Vọng
Con yêu của mẹ, là niềm tin thiết tha
Cho dù đau thương, cho dù đoạn trường
Sẽ có một ngày, con đưa mẹ về quê hương …. Con là tương lai, con là gió mới
Hãy nhớ đường mẹ, về lại nơi cuối trời….”
Bên cạnh việc sáng tác, nhạc sĩ Việt Dzũng còn đặt lời mới trên một số ca khúc của những nhạc sĩ đàn anh, trong đêm nhạc, khán giả được nghe những ca khúc này, như bài “Cho Đồng Bào Tôi” (sáng tác Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ Việt Dzũng viết thêm lời cho ca khúc này) do Bùi Khanh & Trần Thạch hát.
Ca khúc “Vuốt Mặt” (sáng tác của Anh Việt Thu, lời 2 của Việt Dzũng) do Bùi Khanh hát. Việt Dzũng đã dựa trên bài hát, thay đổi một số lời cho phù hợp với con đường đấu tranh của đồng bào hải ngoại.
Ngoài những sáng tác của Việt Dzũng, các ca sĩ còn hát một số ca khúc của những tác giả khác như một lời tiễn biệt anh, trong đó có “Tưởng Niệm” (sáng tác Trầm Tử Thiêng) do Kim Thoa hát, “Em vẫn mơ một ngày về” (Nguyệt Ánh) do Ngọc Quỳnh thể hiện, “Sài Gòn ơi Vĩnh Việt” (Nam Lộc) do thân hữu Ánh Phương hát.


Ban hợp ca của hội quán thơ nhạc Viện Việt Học cùng hát vang ca khúc “We'll Fly Again” (Cùng Chắp Cánh Bay) một sáng tác chung của nhạc sĩ Trúc Hồ & Việt Dzũng
(lời tiếng Anh do Cardin viết)
Ca khúc “Bay Lên Cánh Chim Sa” một sáng tác mới của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc viết về Việt Dzũng trước sự ra đi của anh, do chính tác giả hát cùng với ca sĩ Hồng Tước. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trình bày ca khúc mà ông đã cảm tác từ một số câu trong bài “Một chút quà cho quê hương” của Việt Dzũng, ngay thời gian ông còn ở trong trại tù cải tạo, mà ông đã nhận được từ người quen lén giấu vào trong đòn bánh tét thăm nuôi ông. Khi đó ông không biết tác giả những câu trong bài này là ai, nhưng nó đã gây xúc động rất mạnh cho ông, ông đã sáng tác ca khúc dựa trên những ca từ này, và chưa một lần hát cho ai nghe, nhưng trong đêm nhạc tưởng niệm Việt Dzũng, ông đã hát để dâng tặng lên hương hồn của anh như một sự giao duyên với một tác phẩm của anh.
Bà Kim Lan, nhà thơ Dạ Nhiên, cũng góp vào chương trình bài thơ mà cả hai đã sáng tác để ngợi ca Việt Dzũng và những việc cao quý mà anh đã dấn thân phụng sự suốt bao năm qua đấu tranh dân chủ cho Việt Nam.
Không chỉ đưa khán giả vào trong những giai điệu của âm nhạc, của thơ ca, mọi người còn được nghe chia sẻ qua những tâm tình của phóng viên Thanh Trúc (đài RFA), Thiện Thành, MC Thụy Vy, Lanney Tran (thuộc Hội phụ nữ vì nhân quyền cho Việt Nam) những hồi ức tốt đẹp về nhạc sĩ Việt Dzũng, về những việc anh đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng và to lớn trong nỗ lực giải trừ Quốc Nạn và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do cho Việt Nam, và hàng ngàn công tác xã hội khác mà không hề biết mệt.
Nhưng có lẽ giây phút lấy nhiều cảm xúc của mọi người nhiều nhất, cả khán phòng dường như lặng đi vì xúc động khi ban tổ chức phát lại trên màn hình điện tử hình ảnh và tiếng hát mộc mạc, chân phương của Việt Dzũng trong một sáng tác của chính anh, lấy cảm ý từ bài thơ “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,” của nhà thơ Du Tử Lê. Người nghe cảm được tiếng hát như xoáy sâu vút lên từ đáy lòng, từ những rung động của con tim người nghệ sĩ, như nhìn thấy sự hiện hữu của anh, với đầy ắp những kỷ niệm sống động cùng anh.
“Đây là ghi âm hiếm quý vào thập niên 1980, đã được ca sỹ Hoàng Oanh lưu giữ. Anh đã phổ nhạc sang tiếng Anh, và hát cho bạn bè nghe trong một buổi họp mặt. Những lời trong bài hát thổn thức như những lời trăn trối của một người Việt Nam lưu vong, nhưng yêu quê hương tha thiết.” (Trích từ thông tin của ban tổ chức cung cấp).
Đêm nhạc đã kết thúc sau khi ban hợp ca của hội quán thơ nhạc Viện Việt Học cùng hát vang ca khúc “We'll Fly Again” (Cùng Chắp Cánh Bay) một sáng tác chung của nhạc sĩ Trúc Hồ & Việt Dzũng (lời tiếng Anh do Cardin viết):
“Bạn cùng tôi ta phải cố vươn lên. Khi giọt nước mắt buồn nhỏ lần cuối. Bạn cùng tôi ta phải cố đắp xây. Cho một thế giới đầy lòng nhân ái. Trên không trung nổ tung tiếng bom hận thù. Ôi lửa khói đen giữa đau thương nghiệt oan. Trong âm u còn đây dấu vết anh hùng. Nguyện hy sinh cho thế giới tự do…”
Những ngọn nến trắng lung linh đã tàn trong đêm diễn, nhưng trong lòng của những người yêu quý ca nhạc sĩ Việt Dzũng sẽ vẫn còn mãi những kỷ niệm thân thương về anh, “Anh ra đi và để lại thông điệp của lòng yêu người, yêu đời. Anh đã làm việc như được sống mãi mãi và yêu thương biết mấy đời này như ngày mai phải chia lìa với nó. Mong anh bình an nơi cõi xa, mọi người sẽ nhớ anh vô cùng” (Trích lời chia sẻ của phóng viên Thanh Trúc trong đêm tưởng niệm ca nhạc sĩ Việt Dzũng tại Viện Việt Học).
Chắc chắc những ước nguyện của ca nhạc sĩ Việt Dzũng thuở sinh thời còn đang dang dỡ, thì nay vẫn sẽ có anh em, bạn bè… sẽ thay anh tiếp tục con đường anh đi, với ước mong sớm đem lại tự do no ấm cho đất mẹ và những con dân của Việt Nam! (bh)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire