Giải oan cho cuộc biển dâu này.”
(Ta về – Tô Thùy Yên)
“Đất nước hôm nay chứng kiến sự băng hoại của cả một xã hội cũ trong cái hào nhoáng mới hình thành. Con người đã thay đổi quá nhiều, đức tính thành thật trong giao tiếp hàng ngày gần như đã mất. Các giá trị tinh thần được đánh giá dần dần bằng các thước đo vật chất.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy lý tưởng thanh niên đang bị lung lay không có chỗ dựa. Người ta có thể vội vàng nhận xét nhóm người tuổi trẻ hôm nay chỉ sống vội, ồn ào, theo đuổi vật chất, và gần như vô cảm. Nhưng thật sự họ là những người cô đơn nhất. Một đất nước có thống kê chỉ rõ tuổi trung bình là 24, và 65% dân số dưới tuổi 35, nhưng lại ít chú ý chăm sóc giới trẻ nhiều tiềm năng đó qua giáo dục và phát triển tinh thần.
Hiện trạng của đất nước không tạo được cảm hứng hay nuôi dưỡng các ý tưởng phục vụ cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương lai với họ như thiếu chắc chắn, vì các giá trị dân chủ, công bằng và nhân ái cần thiết cho một xã hội hiện đại đều thiếu vắng. Ngay cả sự tiến bộ kinh tế, điểm sáng của hai mươi năm qua, cũng đang trở thành mong manh tạm bợ.
Tăng trưởng đã chậm lại rõ rệt từ vài năm nay do sự bế tắc chính sách, điển hình nhất là do sự chi phối của các bè nhóm vì lợi ích riêng tư. Đồng thời phẩm chất cuộc sống đi xuống, nhiễm độc môi trường và thức ăn trở thành mối đe dọa trực tiếp hàng ngày cho đời sống của mọi giai tầng xã hội. Trên tất cả, nền kinh tế bị đe dọa sụp đổ từ 2 năm nay, khi quả bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng có thể vỡ bất cứ lúc nào với mức nợ xấu quá mức chịu đựng, nếu không có các biện pháp, chính sách thích hợp cấp thời. Nợ xấu khổng lồ làm tê liệt hệ thống tín dụng ngân hàng và gánh nặng nợ công lớn không kém hình như đang được đẩy cho các thế hệ tương lai gánh chịu, với sự dồn món nợ công hiện tại thành những món nợ lớn tương lai qua giải pháp phát hành trái phiếu công dài hạn.
Nhiều người bàn đến các giải pháp kinh tế xã hội ngắn hạn. Nhưng trong con mắt chuyên viên, khó có thể có một ‘quick fix’ (sửa chữa nhanh) hay ‘a sugar high’ (một ảo tưởng), mà phải là những thay đổi thể chế và chính sách kinh tế cơ bản dài hạn, tái lập các giá trị nhân văn căn bản qua giáo dục và hướng dẫn cho tuổi trẻ.
Thế hệ trẻ không thể không biết và thờ ơ với viễn ảnh tương lai đó. Thiếu niềm tin, họ đang trả lời bằng sự chán chường những giá trị sống hiện tại, dồn đam mê đời sống vào các mác xe máy đắt tiền và những chiếc điện thoại smart thời trang, tỏ lộ hừng khí tuổi trẻ đơn giản bằng các cuộc đua xe tốc độ hay, khá hơn, diễn tả lòng yêu nước bằng cổ vũ chiến thắng bóng đá cuồng nhiệt trong các trận ‘thư hùng’ với các đội quốc gia vùng.
Nhưng mùa hè năm nay chợt thành ngột ngạt thêm vì những biến cố thời cuộc, và sự sôi sục của cả thế hệ thanh niên muốn nói lên tiếng nói yêu nước của mình. Cùng lúc các ức chế xã hội cộng thêm những khó khăn về đời sống hàng ngày hình như đã góp phần gây thêm những tội phạm xã hội ngày càng cao hơn, cho các dấu hiệu của một xã hội đang trên đà xuống dốc trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, người viết chỉ còn biết tìm đến một dòng sông nhỏ, hay một chiều đi dạo trời mưa dưới những hàng me lá đổ, vẫn còn cố tìm về quê hương trong tâm tưởng, dù thời gian có trôi qua và các khuôn mặt cũ đã khuất bóng. Và chợt cảm thấy hạnh phúc muốn dừng ở đó, vì các thay đổi lớn khác sẽ phải đến, những con người, những định chế cũng sẽ theo luật thời gian.
Nhưng quê hương vẫn còn đó, là dòng sông Hồng, là nhánh Cửu Long, là Hương giang, và ở đâu dòng nước đó vẫn lặng lờ trôi, lòng có thể tĩnh lặng nhận biết mình vẫn thuộc về nó: một quê hương không bao giờ mất, một dân tộc sẽ mãi trường tồn bên những biển dâu, riêng tuổi trẻ hôm nay sẽ tìm lại được niềm tin như các thế hệ đàn anh của thuở nào…”
——-
Bài này tập hợp nhiều đoạn văn rời và ngắn, cốt đi kèm nhiều hình ảnh thu thập từ mùa hè 1963 lúc nhóm người viết ở các lớp Đệ Thất đến Đệ Tam (lớp 6-10 bây giờ), mới lên ghế trung học hay sửa soạn vào đời trong bầu không khí dầu sôi lửa bỏng của chính trị miền Nam do biến cố Phật giáo. Và kéo dài đến bây giờ, mùa hè 2013, lúc người viết đã chạm tuổi hưu trí bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam, qua cơn dâu bể lớn nhất khi Saigon đã đổi tên đổi chủ.
Nhưng hơn thế, bài này mong ghi lại những mảnh đời, trong một thời gian dài của thế hệ lớn lên ở miền Nam trong hai hoàn cảnh và ở hai không gian hoàn toàn khác biệt. Bài viết cũng nhằm ghi lại vài nét chấm phá cho những bức ảnh lịch sử, ghi nhận vài sự kiện tuy không tránh khỏi chủ quan, nhưng không có ý phán xét, phê bình hay lý luận sâu sa.
Thế hệ đó nay thuộc vào giới trung niên. Vì đã lớn lên trong chiến tranh ở miền Nam, thuở niên thiếu đã mang nặng hình ảnh và day dứt của cuộc chiến, không có được những bình yên trong ý nghĩ tuổi thơ hay cái hồn nhiên mê đá bóng hay đua xe máy như lớp thiếu niên cùng thành phố lớn lên sau này ở quê nhà. Những ám ảnh về cuộc chiến trở thành một hành trang nặng nề lúc ra đi sống ở nước ngoài trong một thời gian dài. Vì thế luôn ấp ủ chút kỷ niệm đẹp về tuổi thơ ở quê nhà, nâng niu từng hình ảnh với người thân trong gia đình và bạn bè bằng hữu lúc còn sống ở đó.
Ra đi và sống ở nhiều nước trên thế giới: Canada, Mỹ, Pháp và vài nước khác do công việc đòi hỏi. Nhưng tâm tư vẫn luôn quay về chốn cũ, hoài niệm những tia nắng ấm quê hương trong cái giá buốt của tuyết lạnh Bắc Mỹ, nhớ lại những dòng sông nơi quê nhà mỗi lần đứng bên dòng St-Laurent ở Quebec hay dòng Potomac chảy qua Washington, D.C, ngay cả lúc sang đến tận Phi châu làm việc, chịu cơn nóng thiêu đốt vì thiếu mưa, vẫn còn bâng khuâng nhớ đến những cơn mưa dài của Sài Gòn thuở nào.
Người viết cũng đã ghi lại nhiều hình ảnh xứ người bằng văn chương, nhưng lại chủ ý ghi dấu tâm tư so sánh với quê nhà, tựu chung cũng là để “tìm lại khoảng thời gian đã mất”, như Marcel Proust đã viết. Đôi khi hơi thiếu khách quan vì đã ca tụng quê hương mình thái quá .
Thế hệ trên tương phản với các thanh niên bây giờ ở quê nhà, sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến tranh Quốc Cộng. Những lớp trẻ mới này phần lớn không còn mang chút dấu vết gì về cuộc chiến, sống thuở thơ ấu vô tư của một đất nước thanh bình và trưởng thành trong một xã hội tương đối bắt đầu no đủ, suốt ngày nghe các phương tiện truyền thông nhắc nhở chuyện hội nhập quốc tế. Họ luôn ôm những khao khát trông nhìn ra thế giới bên ngoài, giờ đây nhờ vào những tiến bộ khoa học, các mạng lưới tin học phổ cập khắp toàn cầu, thêm vào tin tức thế giới được cập nhật hóa từng phút qua các kênh mạng thông tin. Rồi nhờ các cơ hội nghề nghiệp, được thỏa mộng viễn du qua các chuyến công tác, để từ đó luôn ghi vội hình ảnh những chuyến đi, con người đã gặp, những gì đã thấy đã nghe. Và trong cái sôi nổi được thấy cảnh mới người lạ, cùng óc cầu tiến của người trẻ, thấy cái gì của bên ngoài cũng hay cũng đáng học.
Lúc lý thú nhất có lẽ là khi hai thế hệ đó gặp nhau. Cùng nhận ra mẫu số chung là những băn khoăn, mong ước cho một đất nước tươi sáng phú cường. Cùng chia xẻ những ước vọng và dự phóng tương lai cho quê hương bằng những hình ảnh từ xứ người. Chúng ta hãy tưởng tượng các cuộc gặp gỡ ấy qua những hình ảnh của Saigon xưa và nay, và tự xem thử những thay đổi lớn trong chính ta khốc liệt đến dường nào.
Một người ở xa có thể ngồi viết những dòng này từ một khu phố nhỏ bên dòng St-Laurent. Và người trẻ kia đang viết ở quê nhà một chiều mưa, ngồi trong một căn phố nhìn ra sông Saigon. Nhưng cả hai đều muốn trao đổi qua những dòng bút ký chung, chút gì gọi là “tình tự dân tộc”, là điều muốn nói lên với rất nhiều người khác cùng dòng máu Việt ở bất cứ đâu. Về Saigon ngày xưa 1963 hay Saigon bây giờ 2013 sau 50 năm, dù trời Saigon đang mưa hay nắng.
Saigon 1963
Chính phủ Ngô Đình Diệm
Trừ những lúc có cơn mưa nặng hột và dài thường xuyên đổ xuống xối xả, trời Saigon oi bức lạ thường hè năm đó, do không khí chính trị ngột ngạt của miền Nam với biến cố Phật giáo và những năm tháng cuối cùng của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Các trường trung và đại học cùng tham gia vào không khí sôi nổi đó một cách bộc phát mà không suy nghĩ sâu sa. Nhưng sau một đời người nhìn lại và đọc nhiều sách lịch sử mới hiểu lúc đó mình chỉ là những con chốt.
Phong trào Phật giáo 1963
Sư biểu tình 1963
Thích Quảng Đức tự thiêu
Quốc hội VNCH
Những phố phường còn vắng, các ngôi nhà cao tầng xây cất giản dị, tuy Saigon đang mang danh “Hòn ngọc Viễn đông”, nơi các phố Nguyễn Huệ, Tự Do, Lê Lợi luôn tràn đầy khách du lịch hạng sang từ vài nước láng giềng, nhất là Singapore khao khát ngắm cảnh lạ và tìm mua các mặt hàng xa xỉ.
Từ nhiều năm, thành phố đã hưởng sự yên bình đáng kể, đời sống kinh tế khá sung túc ổn định. Đã qua những cái Tết 1956-63 an vui tràn đầy, với những cành mai vàng khoe sắc, với tiếng pháo nổ ran từ giữa đêm giao thừa thiêng liêng và xác pháo đỏ ngập đường phố ba ngày Tết. Tuy đời sống vật chất hàng ngày còn tương đối đạm bạc.
Tuổi thanh thiếu niên lúc đó tràn đầy lý tưởng. Không khí học hành sôi nổi, các trường thi đua trong các kỳ thi tổ chức qui củ. Giấc mơ du học hình thành nơi một số nhỏ có khả năng hay điều kiện. Ý tưởng học xong trở về nước phục vụ còn ngút ngàn. Nền tảng tổ chức một xã hội công dân bắt đầu hình thành, cho thanh niên mới lớn giấc mơ giản dị là sẽ phục vụ đất nước bằng con đường học vấn, giống như bất cứ người trẻ nào trong các nước láng giềng. Mong ước xây dựng một Nam Việt Nam trù phú hùng cường, tương tự giấc mơ của Nam Hàn ba thập niên sau, nung nấu tâm can những người trẻ, dù việc thực hiện giấc mơ đó được hay không sau này mới hiểu là do “thiên định”.
Vài đàn anh lớn đi trước, đã tốt nghiệp hoặc đã đi dậy trên bục giảng đường đại học ngoại quốc, nhưng đa số mới bắt đầu lên đường năm thứ nhất, tạo phong trào cho các thế hệ đàn em vài năm sau đó. Nền giáo dục vẫn bị chỉ trích thường xuyên do sự cầu tiến, nhưng công bằng mà nói, những sinh viên phát xuất từ những ngôi trường VN dạo đó, đã xuất sắc ở những trường Âu Mỹ vào các kỳ thi tốt nghiệp, ghi lại thành tích đáng kể của nền giáo dục nước nhà lúc đó.
Nhưng sự ổn định chấm dứt sau cuộc chính biến 1/11/1963, chính phủ Ngô Đình Diệm được thay bằng nhiều chính phủ lâm thời, có khi chỉ kéo dài vài tháng. Các xáo trộn kinh tế, xã hội, giáo dục nặng nề nhiều năm sau đó, đã là hệ quả tất nhiên của cuộc thay đổi chính trị này mà lịch sử mấy chục năm sau mới giải thích được.
Các năm 1963-1975
Một số thanh niên du học, bao gồm các người viết, đã rời nước ra đi trong hoàn cảnh đó, nhìn lại đất nước quê hương từ xa như chứng nhân thụ động bất đắc dĩ.
Những chính phủ quân nhân hay dân sự trên đã làm rối đi chính trường miền Nam. Cuộc chiến đồng thời leo thang trầm trọng, rồi thành khốc liệt trong suốt 12 năm tiếp nối khi miền Bắc gia tăng áp lực. Rồi kéo theo sự hỗ trợ của Hoa kỳ và đồng minh. Cuộc chiến bước sang giai đoạn hủy diệt, thay đổi toàn bộ xã hội miền Nam. Những tang tóc đau thương hằn lên dấu vết cho từng gia đình. Từ bên kia trái đất, chúng tôi theo dõi truyền hình hàng đêm tin tức chiến sự quê nhà, rồi thao thức trằn trọc thâu đêm.
Cuộc chiến đi vào khốc liệt hơn từ sau 1971, với sự đổ vỡ mất mát toàn diện cho miền Nam từ 30-4-1975. Biến cố 1975 như một cuộc đổi đời. Đám sinh viên tốt nghiệp trở thành lạc lõng, mất định hướng hoàn toàn trên xứ người, rải rác ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều người lại nặng gánh, phải lo cho cả gia đình mới sang định cư. Hình ảnh VN xa mờ dần, rất đông tự nhủ cố gắng “xin nhận nơi này làm quê hương” trên các miền đất hứa, coi như từ nay chia tay vĩnh viễn miền đất bên kia địa cầu.
Nhưng rồi cũng đến một ngày với nhiều sự thay đổi. Vì nhu cầu kinh tế cấp bách, miền đất đó phải thay đổi phần nào các chính sách. “Đổi Mới” là tên gọi cho hai thập niên mở cửa nền kinh tế, áp dụng các chính sách thị trường dù còn hạn hẹp. Kết quả là đã có những tiến bộ vật chất nhất định, như các chỉ số tăng trưởng, bộ mặt đời sống được cải thiện đáng kể ở những thành thị, dù nhiều vùng nông thôn còn chìm đắm trong nghèo khó cố hữu.
Một số người chợt quyết định muốn trở về nhìn lại quê hương, dù trong tâm tư “Từ Thức về làng”. Và một trong những người đó ghi lại tâm trạng như sau.
Những năm sau 1975 về thăm Saigon: Còn Đó Nỗi Buồn
Người viết phải trở về Sài Gòn nhiều lần trong đầu thập niên 90, mới chợt tìm thấy một lúc muốn ngồi xuống, bình tâm viết lại vài xúc cảm về thành phố đã ôm ấp biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi mới lớn, với bao hoài bão lý tưởng cho cuộc đời sau này.
Vốn sinh ra ở Hà Nội, thời trung học tôi nâng niu những quyển sách Tự Lực Văn Đoàn của các nhà văn kể chuyện về đất Thăng Long. Những năm gần đây nhất, đọc bao tùy bút và hồi ký ở hải ngoại phần lớn nói về Hà Nội, tôi cũng tưởng mình sẽ chỉ muốn viết về thành phố huyền thoại ấy. Nhưng sau nhiều chuyến công tác ngắn ghé thăm Việt Nam, tuy Hà Nội có quyến rũ, thơ mộng nhưng tôi chợt nhận ra sự gần gũi chỉ tìm thấy ở Saigon.
Đó mới là “thành phố của tôi”, trở về mà không phải cần bản đồ để tìm đường, không phải nhờ người hướng dẫn du lịch, chỉ chỗ xem phong cảnh hay vài chỗ ăn uống nổi tiếng. Những con đường quen thuộc, chỉ đổi tên mới, vẫn còn đó. Những hàng me ướt lá sau cơn mưa chiều vẫn còn nguyên vẹn nét trữ tình, chờ đợi… Mái tóc kẻ bộ hành bây giờ đã ngả dần sang hai mầu, khác xa những ngày tháng cũ thuở trung học tóc còn mướt đen ướt đẫm vì chạy vội dưới cơn mưa rào, hay mơ mộng thả bộ đón nhận những hạt mưa bụi bay nhẹ theo lối về một trường nữ quen thuộc sắp đến giờ tan học.
Góc Lê Lợi – Tự Do
Lần đầu tiên trở về trong niềm xôn xao khó tả trong lòng, từ lúc phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất, thấy những ngôi nhà cũ, các hầm trú bê tông cho máy bay từ thời chiến tranh, đến lúc ở giữa dòng giao thông đông đúc chạy theo con đường Công Lý. Rồi rẽ trái Dinh Độc Lập ra đường Thống Nhất, qua khu nhà thờ Đức Bà về khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố gồm những địa danh cũ: toà nhà Quốc Hội, rạp ciné Rex, khách sạn Continental, hiệu kem Givral góc đường Tự Do và Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ tráng lệ chạy dài từ Toà Đô Chính ra đến bến Bạch Đằng gồm những kiosques bán hoa, băng nhạc, rửa phim, mứt rượu Đà Lạt và nhiều thứ hàng tạp hoá. Bây giờ những quán này đã được gỡ bỏ, làm cho con đường trở thành sạch rộng hơn trước nhiều, nhưng lại mất vẻ thân quen cho khách xưa.
Cái nóng oi bức, bụi khói của những chiếc xe Honda vẫn là bức tranh khó quên của đường phố Sài Gòn dạo trước. Sau hơn hai mươi năm với dân số tăng gần gấp ba, số nhà cửa, xe cộ làm thành phố chật hẹp lại nhiều và lộ rõ áp lực nạn nhân mãn của các đô thị Á Châu bây giờ. Tuy nhiên khu vực công trường ở trước nhà bưu điện chính bao quanh nhà thờ Đức Bà vẫn còn vẻ đẹp uy nghi, giữ lại nét diễm lệ của nơi vẫn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Quán Hương Lan (Bưu Điện Sài Gòn)
Ngày xưa mỗi chủ nhật tôi vẫn thường phóng mobylette đến khu vực này để tìm mua những ổ bánh mì Bưu Điện ngon, bọc sạch sẽ trong giấy màu trắng ngà. Bây giờ không còn tìm thấy quán Hương Lan nữa và hình như những ổ bánh mì hấp dẫn cũng thất truyền luôn, mặc dù có những quán mới sang trọng hơn như Bánh Mì Ta, Bánh Mì Tươi, làm buồn những chuyến xe cuối tuần ra Vũng Tầu muốn ngồi nhấm nháp một ổ bánh mì cũ trên đường đi!
Chợ Hoa Nguyễn Huệ 1971
Những ngày trở lại Sài Gòn tuy ngắn ngủi, nhưng tôi đã bỏ khá nhiều thì giờ tản bộ trên những hè phố quanh khu trung tâm Tự Do-Nguyễn Huệ-Lê Lợi. Đặc biệt mỗi sáng sớm, tôi có thói quen đi dạo từ khu khách sạn “mini” ở đường Tự Do xuống nhà thờ Đức Bà, qua công trường “con Rùa” nơi có viện Đại Học. Rồi trở lại đường Duy Tân, tôi qua trường Luật tìm ngôi nhà cũ của mình ở góc Hiền Vương. Con đường cây dài bóng mát ngày xưa bây giờ đã khác đi nhiều , đã mất bớt cây cối và chật hẹp bẩn hơn vì những quán hàng la liệt hai bên vỉa hè. Ngày xưa con đường này chỉ toàn những villa nhà ở sang trọng, bây giờ mở những cửa hiệu nhỏ, hay được đập đi thành những khu văn phòng cho người ngoại quốc thuê.
Hồ Con Rùa – Đường Duy Tân
Dừng lại trước địa chỉ cũ của ngôi nhà dấu yêu, nơi tôi đã sống những ngày thơ ấu, tôi bàng hoàng khi thấy căn nhà đó biến mất và được thay thế bằng cao ốc sáu tầng trụ sở của một hãng thuốc Thuỵ Sĩ. Cảm xúc vì tiếc nuối, ngỡ ngàng dâng lên mãnh liệt, nhắc nhở thực tại Từ Thức về chốn cũ. Tôi bắt đầu những ngày ở Sài Gòn chỉ đi tìm về những nơi hay lui tới dạo trước, cố quay lại những khúc phim cũ trong ký ức để so sánh với những cái mình thấy bây giờ.
Đầu tiên tôi tìm lại một nhóm bạn bè Y Dược cũ (ngày trước, tôi đã theo học vài tháng dự bị cả Y và Dược khoa trước khi bỏ đi du học) lập nên nhóm J&B rất vui nhộn và thân, chỉ chuyên gặp nhau uống cà phê buổi sáng hay thỉnh thoảng ăn nhậu với chai whisky J&B (tạo thành tên của nhóm). Mỗi sáng thứ bảy, tụi này hẹn gặp nhau ở một quán trước cửa nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Nguyễn Trãi, địa điểm được chọn lựa ở cạnh hiệu thuốc Huyện Sĩ. Ngồi nói chuyện rỉ rả mọi chuyện cũ mới bên tách cà phê rồi kéo đi ăn sáng, đấy là niềm vui lớn cuối tuần từ lúc tôi về lại Sài gòn.
Nhà thuốc Huyện Sĩ
Cổng trường Chu Văn An
Một nơi khác mà tôi cũng cố tìm tới là khu nhà thờ Ngã Sáu ở Minh Mạng thăm lại toà nhà của ngôi trường Chu Văn An cũ. Tôi bước vào lớp học cũ, nhìn lại từng dẫy xe đạp, bâng khuâng hoài niệm những khuôn mặt thầy bạn cũ của một thời làm báo học trò, của những mối tình si nhẹ nhàng lúc bỏ sang Trưng Vương thả hồn theo các tà áo trắng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trường Trưng Vương
Tìm mãi mà tôi không nhận ra đâu là khu nhà nhỏ của bác gác gian nổi tiếng của trường, nơi vẫn bán xôi lạp xưởng và chè đậu đen đầy kỷ niệm cho hàng bao thế hệ Chu Văn An. Tôi chỉ còn nhớ căn buồng dùng làm khu sinh hoạt học đường trong dãy nhà ngoài cùng nơi vẫn đến tập múa hát hay hội họp làm báo. Ba năm trung học với những kỷ niệm hoạt động học đường, lo lắng thi cử, những tình yêu học trò chợt đến chợt đi. Vài mộng mị lý tưởng cho tuổi mới lớn khi tình yêu quê hương vừa hình thành một cách đứng đắn, đan kết bởi những dằn vặt suy tư của một thế hệ lớn lên trong bối cảnh chiến tranh thời đó.
Ra khỏi cổng trường cũ, tôi tìm về Ngã Sáu lúc trước có những hàng bán nghêu đầy dẫy dọc đường. Những chiếc ghế gỗ thấp cập kễnh trên lớp vỏ nghêu bên lề đường. Khách gọi từng thau nghêu ra húp với nước mắm dấm ớt tỏi và những chai bia con cọp xếp thành hàng dài. Khu đó bây giờ cũng biến mất, làm trôi thêm một kỷ niệm học trò. Dọc theo con đường Phan Thanh Giản, vẫn còn thấy ngôi nhà cũ của trường Phan Sào Nam. Rồi rạp Long Vân nơi đóng đô của những giờ buồn ngủ “cúp cua” học ra ngồi xem ciné sau khi ghé mua vài cây kem Lan Hương (hiệu có hai cô bán hàng xinh xinh!). Đi tiếp xuống Phan Thanh Giản, qua bệnh viện Saint Paul, gặp ngôi trường Gia Long cũ, vẫn những tà áo trắng, nhưng các cô bé nữ sinh trung học trông nhỏ hẳn đi như chỉ đang ở tiểu học.
Chùa Xá Lợi
Chùa Vĩnh Nghiêm
Cắt ngang là đường Bà Huyện Thanh Quan êm đềm với chùa Xá Lợi giờ đây trông nhỏ bé quạnh hiu. Khác với chùa Xá lợi, chùa Vĩnh Nghiêm ở đường Công Lý trông bề thế, nhộn nhịp hơn, lúc nào cũng khói hương nghi ngút với số người đi lễ đông gần như thường trực. Chùa Vĩnh Nghiêm và Vương Cung Thánh Đường gần như là hai “thắng cảnh” đặc biệt cho những người ở xa về.
Nhà thờ Đức Bà
Nhưng tôi xúc cảm nhiều hơn lúc đi theo đường Trương Minh Giảng, vượt qua cầu và ngôi chợ nhỏ. Tìm đến ngôi chùa Pháp Hoa rất nhỏ, đặt nén hương cho những người thân có ảnh nằm đó trong bình yên vĩnh cửu. Người đàn ông ngũ tuần chợt thấy mắt nhạt nhoà trước hai khung ảnh gắn trên bình tro của bà nội tôi và ba tôi. Bao người xưa đã nằm xuống, một số khác đã đi ngoại quốc, bạn bè thân đã vội bỏ mình hay tản mát nơi đâu sau mấy chục năm?
Tôi quay về đây chợt thấy lạc lõng dù đó là thành phố mộng tưởng của các năm dài sống ở bên Mỹ. Những ngày ở khách sạn Sài Gòn, ba buổi đi tìm hiệu ăn. Thiếu vắng một bữa cơm nóng đơn giản trong ngôi nhà quen thuộc, đã làm cho tôi nhận rõ cảm tưởng chua chát mình chỉ là khách du lịch ngay trên quê hương, dù vài người thân họ hàng vẫn niềm nở tiếp đãi. Không khí ngày Tết hay Giáng Sinh có nhộn nhịp chào đón và gợi cảnh cũ, tôi vẫn thấy mình đếm rõ từng bước cô đơn trên các hè phố cũ quen thuộc.
Trong ánh mắt nhìn của đa số họ hàng, bạn bè vẫn còn chút tò mò tìm hiểu kẻ lạ trước mặt là tôi. Và dù muốn tự dối mình, tôi cũng không thể hiện diện như những người bình thường trong cuộc sống hàng ngày ở đây. Tôi vẫn là “người lạ”, càng cố làm ra vẻ tự nhiên hoà đồng lại càng thấy ngượng nghịu, có chút tính chất “kịch” trong đó. Ở vài nơi tiếp xúc làm việc, tôi càng nhận ra điều đó. Tôi đã được đào tạo trong môi trường khác, với cách suy nghĩ hoàn toàn xa lạ với những anh em đồng nghiệp chung quanh.
Nếu tôi đến họ với tư cách doanh nhân hay đại diện một cơ quan nước ngoài, công việc có phần thuận lợi hơn trong cách cư xử. Nhưng nếu tôi muốn trở về “nhập cuộc” trong một cơ sở Việt Nam như một nhân viên bản xứ, sự hội nhập sẽ khó khăn và gần như không tưởng. Hiệu năng làm việc chắc sẽ rất khiêm tốn vì những hàng rào ngăn cách trong công việc và giao tế. Tôi ngỡ ngàng khi nhận ra điểm đó sau vài chuyến về nhà. Nếu tôi còn bị xa lạ như thế sau khi đã trưởng thành ở Việt Nam và không bị khó khăn về ngôn ngữ đối thoại, làm sao các thế hệ đàn em trẻ có cơ hội trở về khi họ chỉ bập bẹ tiếng Việt, đọc chữ không thông, đừng nói gì đến quay về sống và làm việc. Liệu quê hương có là một địa danh du lịch hấp dẫn trong tâm tưởng nhóm đàn em ở hải ngoại này không?
Những ý nghĩ trên càng đi sâu vào trong tâm tưởng tôi như một nỗi buồn gậm nhấm trong các chuyến về kế tiếp. Tôi vẫn tâm tưởng đến những quán cơm Việt. Tôi cũng mê say đến hiệu phở Hoà khu đường Pasteur, phở Tàu Bay Lý Thái Tổ, hay phở Tương Lai Nguyễn Tri Phương, dù vị phở có phần kém ngày trước có lẽ vì khẩu vị mình đã hoàn toàn thay đổi.
Quán Brodard
Tuy nhiên tôi vẫn hay ra ăn ở Givral có chỗ ngồi thi vị. Chỉ nhớ tiếc những tách cà phê sữa nóng bốc khói với vị bơ thơm lừng của Pôle Nord, hay bánh ngọt của Brodard và Givral ngày xưa. Buổi trưa hay chiều đến những tiệm cơm ‘bình dân” (dù giá bắt đầu lên khá đắt cho mức sinh hoạt của người dân ở nhà) ở đường Ngô Đức Kế có các tiệm mới như Hoàng Yến, Hiệu 13, Cây Dù Vàng đang có tiếng, nhắc nhở đến hiệu ăn Bà Cả Đọi với các món Bắc trong gia đình như thịt đông, dưa giá, đậu kho, cá rán v.v… Sang hơn nữa cho cơm Việt Nam là nhà hàng Thanh Niên (đường Nguyễn Văn Chiêm, gần nhà thờ Đức Bà) với những món miền Nam hấp dẫn, có bàn ăn trong vườn sạch và lịch sự, mỗi tối thêm phần nhạc phụ diễn và khung cảnh thơ mộng.
Khách cũng có thể tìm ăn cơm Tây bình dân ở chợ Cũ nhưng vẫn tiếc nhớ món soupe bouillabaisse hay thỏ nấu rượu vang ở Chez Albert (Đa Kao) hay Vọng Nguyệt, món bí- tết Choeng Nam, crème de vollaille chợ Cũ. Các hiệu Tầu danh tiếng ngày xưa như Á Đông, Động Phát, Ngọc Lan Đình thì đã đóng cửa hay đổi tên và bây giờ không còn hiệu nào đặc biệt. Mấy hiệu Tầu trong vài khách sạn năm sao mới mở là máy chém mà ăn không ngon lắm, chỉ được cái sang! Các món Tầu bình dân như trong các hiệu mì phần lớn dọn lên khu Đinh Tiên Hoàng ở Đa Kao. Tiệm mì Cây Nhãn cũ ở khu Đinh Tiên Hoàng không biết dọn đi đâu?
Mỗi lần trở về Mỹ, tôi ít có dịp kể lại đầy đủ các chuyện trên cho bạn bè, nhất là nếu chưa đủ thân thiết, vì đa số những lập luận hay câu chuyện đều hướng về công việc làm ăn hay những dự định tậu nhà, mua xe mới cho đời sống “bên này”. “ Bên kia” chỉ nên được coi như là thiên đường đã mất hay trong trí tưởng. Lý luận của bạn bè hay họ hàng chắc nịch như vậy nên tôi cả nể thường im lặng, chỉ kể qua loa về nếp sống ở Sài Gòn sau những chuyến công tác hay thăm viếng ngắn. Tôi chỉ quyết định viết những điều dài dòng này về Sài Gòn sau khi đọc rất nhiều sách báo về Hà Nội, và cảm thấy ẩn nhẫn bất công cho Sài Gòn, nơi đã cho tôi bao kỷ niệm đẹp thơ ấu và còn cho tôi sự quen thuộc gần gũi mỗi lần trở về, dù phần lớn chỉ để hoài niệm những ngày tháng đã qua trong thành phố thân yêu ấy.
Và có lúc tôi đã muốn kêu to: Saigon, ôi người tình nhân đã khuất!…
Và hôm nay, hè 2013
Những năm thay đổi đã cho Saigon một bộ mặt mới hào nhoáng hơn nhiều, tiêu biểu nhất là trong những bức hình của khu trung tâm Eden ở quận Nhất ngày xưa. Tòa nhà có cà phê Givral đã được thay thế bằng một building mới sang trọng như ở Paris, London…Ngồi lại trong chiếc ghế của quán mới, khó ai nghĩ mình không đang ở một thành phố lớn hiện đại của trời Âu.
Quán Givral
Nhưng, người biết rõ xã hội miền Nam ngày trước có mặt hôm nay, không thể không nói đến cái giá đắt phải trả. Người thanh niên trẻ của xã hội mới không thể dấu mọi chuyện với người bạn thế hệ cũ mới gặp, nói đến ở đoạn mở đầu bài viết này.
Đất nước hôm nay chứng kiến sự băng hoại của cả một xã hội cũ trong cái hào nhoáng mới hình thành. Con người đã thay đổi quá nhiều, đức tính thành thật trong giao tiếp hàng ngày gần như đã mất. Các giá trị tinh thần được đánh giá dần dần bằng các thước đo vật chất.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy lý tưởng thanh niên đang bị lung lay không có chỗ dựa. Người ta có thể vội vàng nhận xét nhóm người tuổi trẻ hôm nay chỉ sống vội, ồn ào, theo đuổi vật chất, và gần như vô cảm. Nhưng thật sự họ là những người cô đơn nhất. Một đất nước có thống kê chỉ rõ tuổi trung bình là 24, và 65% dân số dưới tuổi 35, nhưng lại ít chú ý chăm sóc giới trẻ nhiều tiềm năng đó qua giáo dục và phát triển tinh thần.
Hiện trạng của đất nước không tạo được cảm hứng hay nuôi dưỡng các ý tưởng phục vụ cho thế hệ trẻ hôm nay. Tương lai với họ như thiếu chắc chắn, vì các giá trị dân chủ, công bằng và nhân ái cần thiết cho một xã hội hiện đại đều thiếu vắng. Ngay cả sự tiến bộ kinh tế, điểm sáng của hai mươi năm qua, cũng đang trở thành mong manh tạm bợ.
Tăng trưởng đã chậm lại rõ rệt từ vài năm nay do sự bế tắc chính sách, điển hình nhất là do sự chi phối của các bè nhóm vì lợi ích riêng tư. Đồng thời phẩm chất cuộc sống đi xuống, nhiễm độc môi trường và thức ăn trở thành mối đe dọa trực tiếp hàng ngày cho đời sống của mọi giai tầng xã hội. Trên tất cả, nền kinh tế bị đe dọa sụp đổ từ 2 năm nay, khi quả bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng có thể vỡ bất cứ lúc nào với mức nợ xấu quá mức chịu đựng, nếu không có các biện pháp, chính sách thích hợp cấp thời. Nợ xấu khổng lồ làm tê liệt hệ thống tín dụng ngân hàng và gánh nặng nợ công lớn không kém hình như đang được đẩy cho các thế hệ tương lai gánh chịu, với sự dồn món nợ công hiện tại thành những món nợ lớn tương lai qua giải pháp phát hành trái phiếu công dài hạn.
Nhiều người bàn đến các giải pháp kinh tế xã hội ngắn hạn. Nhưng trong con mắt chuyên viên, khó có thể có một ‘quick fix’ (sửa chữa nhanh) hay ‘a sugar high’ (một ảo tưởng), mà phải là những thay đổi thể chế và chính sách kinh tế cơ bản dài hạn, tái lập các giá trị nhân văn căn bản qua giáo dục và hướng dẫn cho tuổi trẻ.
Thế hệ trẻ không thể không biết và thờ ơ với viễn ảnh tương lai đó. Thiếu niềm tin, họ đang trả lời bằng sự chán chường những giá trị sống hiện tại, dồn đam mê đời sống vào các mác xe máy đắt tiền và những chiếc điện thoại smart thời trang, tỏ lộ hừng khí tuổi trẻ đơn giản bằng các cuộc đua xe tốc độ hay, khá hơn, diễn tả lòng yêu nước bằng cổ vũ chiến thắng bóng đá cuồng nhiệt trong các trận ‘thư hùng’ với các đội quốc gia vùng.
Nhưng mùa hè Saigon năm nay chợt thành ngột ngạt thêm vì những biến cố thời cuộc, và sự sôi sục của cả thế hệ thanh niên muốn nói lên tiếng nói yêu nước của mình. Cùng lúc các ức chế xã hội cộng thêm những khó khăn về đời sống hàng ngày hình như đã góp phần gây thêm những tội phạm xã hội ngày càng cao hơn, cho các dấu hiệu của một xã hội đang trên đà xuống dốc trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, người viết chỉ còn biết tìm đến một dòng sông nhỏ, hay một chiều Sài Gòn đi dạo trời mưa dưới những hàng me lá đổ, vẫn còn cố tìm về quê hương trong tâm tưởng, dù thời gian có trôi qua và các khuôn mặt cũ đã khuất bóng. Và chợt cảm thấy hạnh phúc muốn dừng ở đó, vì các thay đổi lớn khác sẽ phải đến, những con người, những định chế cũng sẽ theo luật thời gian.
Nhưng quê hương vẫn còn đó, là dòng sông Hồng, là nhánh Cửu Long, là Hương giang, và ở đâu dòng nước đó vẫn lặng lờ trôi, lòng có thể tĩnh lặng nhận biết mình vẫn thuộc về nó: một quê hương không bao giờ mất, một dân tộc sẽ mãi trường tồn bên những biển dâu, riêng tuổi trẻ hôm nay sẽ tìm lại được niềm tin như các thế hệ đàn anh của thuở nào…
TRẦN VIỄN DU BẢO NAM/THEO DIỄN ĐÀN THẾ KỶ
Xem tin nguồn: http://ttxva.org/sai-gon-nhin-lai-50-nam-1963-2013/#ixzz2oSia826b
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook
http://ongvove.wordpress.com/2013/12/25/sai-gon-nhin-lai-50-nam-1963-2013/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire